Trong chuyến điều tra thực tế tại Khu BTTN Nam Nung và Tà Đùng, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Lâm Sinh – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã phát hiện quần thể thực vật Sồi ba cạnh quý hiếm với số lượng gần 200 cá thể.
Quần thể Sồi ba cạnh được tìm thấy tại tiểu khu 1331, ở độ cao 1.100m đến 1.250m thuộc Khu BTTN Nam Nung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Chiều cao trung bình của các cây trong quần thể khoảng 18m; đường kính thân các cây từ 60 – 120cm, cây lớn lên tới 2m.
Lá và quả Sồi Ba cạnh. (Ảnh: Hoàng Thanh Sơn)
Sồi ba cạnh có tên khoa học là Trigonobalanus verticillata Forman, thuộc chi Trigonobalanus – chi thực vật có mức độ tiến hóa thấp nhất trong các chi của họ Dẻ (Fagacease). Sở dĩ loài này được gọi là Sồi ba cạnh vì hạt của loài này có ba cạnh rất độc đáo. Loài này thường mọc hỗn giao với các loài Dẻ gai Trung Quốc (Castanopsis chinensis), Thông tre lá dài (Podocarpus nerrifolius), Trâm vỏ đỏ (Syzygium zeylanicum), Gò đồng Bidoup (Gordonia bidoupensis), Dẻ quả vát (Lithocarpus truncatus) và Thích hoa đỏ (Acer erythranthum).
Tuy nhiên, Sồi ba cạnh lại có những đặc điểm về hình thái lá, hoa, quả rất khác biệt so với các loài trong cùng họ Dẻ (Fagaceae), do đó loài cũng được giới khoa học rất quan tâm.
Trên thế giới, Sồi ba cạnh mới chỉ phát hiện được ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Ở Việt Nam, Sồi ba cạnh từng được phát hiện ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai (2002) và Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, Lâm Đồng (2007). Hiện loài được xếp ở mục Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam.
Việc phát hiện quần thể Sồi ba cạnh càng thể hiện tính đa dạng của các hệ sinh thái của Khu BTTN Nam Nung, vì vậy tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục điều tra cũng như thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn tính đa dạng cho hệ sinh thái của khu vực này.
0 comments:
Post a Comment