Wednesday, July 20, 2016

Xót xa 2 mẹ con nhường nhau một suất ăn khi cùng đi chữa bệnh

Lần nào nhìn vào giường bệnh của cậu bé Tràng Minh Hảo các bác sĩ ai cũng thương và ái ngại bởi không chỉ có em và cả mẹ của em cũng đang là bệnh nhân của khoa. Cả 2 mẹ con đều phải điều trị căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn với đáp ứng kém và có nguy cơ xuất huyết não cao. Càng lo hơn nữa khi mẹ của em lại có dấu hiệu của bệnh tâm thần nên phải đồng thời nhờ sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa.

Tôi đến thăm em lúc đó đã quá trưa sang chiều nhưng cả 2 mẹ con vẫn ngồi trước một suất cơm mà chưa chịu ăn. Cậu bé Hảo có phần khá mệt sau khi truyền tiểu cầu nhưng vẫn khá lanh lẹn khoe: “Con bảo mẹ ăn trước đi nhưng mẹ không chịu. Hôm nay mẹ con mệt hơn nên mẹ con cần phải ăn nhiều cô ạ”.


Tại tầng 6 khoa Máu trẻ em cả hai mẹ con bé Hảo đều phải điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.

Ngoài bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, chị Yên còn bị tâm thần phải nhờ các bác sĩ chuyên khoa can thiệp.

Đáp lại ánh mắt trông chờ của con trai, mẹ em là chị Lê Thị Yên ngồi lả người dựa vào thành giường, ủ rũ: “Con ăn đi, mẹ không thấy đói đâu” rồi lại nghiêng nghiêng người như sắp đổ khiến anh Sâm phải vội vã từ ngoài chạy vào để đỡ. Có lẽ là chị mệt thật không thể ăn được hoặc cố tình để nhường cơm cho con, chỉ biết chị nhìn chúng tôi với ánh mắt như van nài: “Cô bảo cháu ăn đi, nó không ăn là đói lại lả ra đấy thì khổ”.

Nhìn cả vợ, cả con, anh Sâm buồn rượi, giọng nghẹn đắng: “Khổ lắm cô ơi, vét hết tất cả những gì có thể bán được là mang đi viện, giờ thì chẳng còn gì cả mà cả 2 mẹ con nó phải ở đây chữa bệnh thế này”.

Nói rồi anh liền quay mặt ra ngoài để cố che đi hai quầng mắt thâm và những giọt nước mắt cũng bắt đầu chảy xuống. Lúc này tôi mới để ý kĩ, gương mặt anh hốc hác, tiều tụy trên thân hình gầy nhẳng như 1 cành củi khô, dễ gãy. Cùng lúc chăm vợ, rồi lại chăm con, anh chẳng còn tâm trí nào để mà nhận thấy bản thân mình trông thảm hại, mong manh lắm.
Đi chăm vợ, con, anh Sâm gầy hốc hác, tiều tụy.
Anh sợ hai mẹ con có mệnh hệ gì thì bố con anh không sống nổi.

“Ở viện thì cũng có nhiều hoàn cảnh lắm nhưng hai mẹ con bạn này khiến các chị cứ trăn trở mãi. Họ nghèo khổ đã là một chuyện khó khăn trong vấn đề điều trị, càng bi đát hơn khi mẹ của bạn ấy có những dấu hiệu tâm thần phải nhờ đến các bác sĩ chuyên khoa can thiệp thì mới ổn ổn được như giờ”. Là người điều trị trực tiếp cho 2 mẹ con, bác sĩ Dương Thị Hưng – Khoa máu trẻ em, Viện huyết học truyền máu TW đã có những tâm sự về gia đình bé Hảo.

Tiếp lời chị cũng cho chúng tôi biết cả 2 mẹ con đều chẩn đoán là xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn, vì vậy mà hàng tháng phải lên viện điều trị theo phác đồ. Về việc đáp ứng thuốc điều trị của 2 mẹ con thì rất kém, tiểu cầu thường xuyên thấp và có nhiều nguy cơ xuất huyết não cao. Lần này hai mẹ con vào viện trong tình trạng vô cùng nguy cấp bởi tiểu cầu của con xuống chỉ còn 6, của mẹ là 7.
Nỗi buồn bao phủ hết cả gia đình anh.
Thương con...
Rồi lại lo cho vợ, anh như người ngồi trên đống lửa.

Biết rõ được bệnh tình của cả 2 mẹ con nên anh Sâm lo lắm. Anh sợ có mệnh hệ gì xảy ra thì gia đình anh tan nát hết, rồi còn cả 1 đứa con nữa ở nhà không biết cháu sẽ ra sao. Cúi mặt xuống, anh ngậm ngùi:

“Thằng bé này anh còn đỡ lo hơn mẹ nó. Mẹ nó vừa phải điều trị ở viện này vừa phải đưa sang bệnh viện tâm thần nữa nên vất vả đủ đường. Giờ số phận gia đình anh thế, anh chỉ biết cầu khấn trời phật thương đừng để mẹ con nó chết thì anh cũng không sống nổi đâu”.

Bệnh của vợ con đã thế, bản thân anh lại phải bỏ công việc đồng áng lên viện nên cả gia đình không có bất cứ một khoản thu nào dù là nhỏ nhất. Thương anh, thương chị và cả cho cháu, chúng tôi cũng ái ngại thay khi thấy cậu bé Hảo quay mặt vào tường nằm khóc. 13 tuổi em đã phần nào hiểu được nỗi vất vả của bố khi chạy đôn, chạy đáo các nơi để lo cho 2 mẹ con rồi lại những lần lên cơn bệnh tâm thần của mẹ… Mọi thứ diễn ra quá sức chịu đựng của một đứa bé như em nhưng em vẫn phải cắn răng chịu đựng với hi vọng mong manh mình sẽ không phải chết vì em còn thèm được sống, thèm được đến trường, đến lớp.
Phạm Oanh

0 comments:

Post a Comment